Ý nghĩa thiết thực của niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ và hành động của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định chung tay góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà
Theo quy định tại Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực ngày 01/7/2024) thì niêm yết giá là hình thức công khai mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm bảo đảm thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 4 Luật Giá năm 2023)
Niêm yết giá là hình thức công khai về giá. Giá niêm yết là giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định bằng Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối. Giá niêm yết được gắn với số lượng hoặc khối lượng hàng hóa, dịch vụ phù hợp, các thông tin khác (nếu có) về đặc điểm kỹ thuật cơ bản, xuất xứ, phương thức mua, bán. (Khoản 1 Điều 29 Luật Giá năm 2023)
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng các hình thức: in, dán, ghi thông tin trên bảng, giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì của hàng hóa hoặc các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa điểm bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc trên các trang thông tin điện tử để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. (Khoản 2 Điều 29 Luật Giá năm 2023)
Các tổ chức, cá nhân không được bán cao hơn giá niêm yết; đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải niêm yết và bán đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành; đối với hàng hóa, dịch vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá thì phải niêm yết và bán theo giá phù hợp với giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ điều chỉnh mức giá niêm yết ngay khi có sự thay đổi về giá của hàng hóa, dịch vụ. (Khoản 3 Điều 29 Luật Giá năm 2023)
Niêm yết giá được pháp luật quy định rõ ràng và mang lại nhiều ý nghĩa cụ thể:
Việc niêm yết giá giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, thiết lập trật tự trong hoạt động mua bán, thể hiện nét văn minh thương mại;
Góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa những người buôn bán, các tổ chức, cá nhân kinh doanh với nhau;
Niêm yết giá là biện pháp hạn chế việc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình biến động thất thường về cung cầu, giá cả thị trường để tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm bất ổn thị trường;
Khách hàng sẽ có một tâm thế dễ chịu hơn lúc đi mua hàng hóa khi biết rõ giá của từng sản phẩm;
Niêm yết giá giúp giá cả hàng hoá được kiểm soát, việc vận hành tổ chức mua bán sẽ trở nên nề nếp và dễ dàng quản lý hơn, thuận tiện cho cả người bán và người mua;
Niêm yết giá sẽ là công cụ để cơ quan nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý giá, góp phần ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội;
Khách hàng sẽ không bị đưa vào tình huống bị ép mua hàng hoá, dịch vụ có giá cao hơn giá bán vì không có niêm yết giá sẵn, đặc biệt đối với các du khách đi du lịch.
Những năm qua, Bình Định đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt Thành phố Quy Nhơn được vinh dự nhận danh hiệu là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” cùng với 2 thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) và Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu) tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á 2024 tổ chức tại thủ đô Vientiane, Lào ngày 26/01/2024.
Theo quy định của pháp luật, hàng hóa dịch vụ trong hoạt động thương mại đều phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đây là một nét “Văn minh thương mại” trong giai đoạn nước ta đã và đang hội nhập thị trường Quốc tế.
Nhưng thực tế việc niêm yết giá hiện nay vẫn còn một số nơi chưa được các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt và tự giác thực hiện, vẫn còn mang tính đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước. Trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã xử phạt 147 vụ việc vi phạm, phạt tiền 192.750.000 đồng, đối với vi phạm về niêm yết giá.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra về niêm giá
tại các cơ sở phục vụ ăn uống cho du khách
Phát huy những kết quả đã đạt được, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định quyết tâm chung tay góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Định về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 – 2025. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục kiểm tra, xử phạt 3 vụ việc vi phạm, phạt tiền 4.500.000 đồng đối với vi phạm về niêm yết giá.
Thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh có vi phạm về niêm yết giá để xử lý nhằm mục đích răn đe. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá ở mức cao bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả.
Đồng chí Trần Đức Tiến – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh
phát biểu chỉ đạo tăng cường kiểm tra kiểm soát trong năm 2024
Đồng thời, cập nhật diễn biến tình hình thị trường trong tỉnh để kịp thời tham mưu với cấp trên các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.
Lực lượng Quản lý thị trường nắm bắt diễn biến tình hình thị trường
Bên cạnh đó để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, công tác tuyên truyền nói chung, pháp luật về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nói riêng là cần thiết và không thể thiếu của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh thương mại.
Đội QLTT địa bàn tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh
Thông qua các hoạt động kiểm tra, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng hàng hoá giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc,… và kịp thời cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đội QLTT địa bàn dán áp phích đường dây nóng của QLTT
Đường dây nóng 0914.035.104 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định sẵn sàng nhận các cuộc gọi tố cáo lợi dụng lễ, tết để trục lợi bất chính.