Quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ chính trị Về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Thực hiện Văn bản số 1440/TCQLTT-THKHTC ngày 7/7/2023 của Tổng cục Quản lý thị trường về việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ngày 19/7/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết 36). Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Đức Tiến, Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng, các đồng chí là Lãnh đạo các Phòng chuyên môn, Đội Quản lý thị trường cùng toàn thể công chức, người lao động Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định.
Tại Hội nghị, các đồng chí đã được phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Theo đó, Nghị quyết xác định:
Mục tiêu tổng quát: Tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.
Mục tiêu cụ thể: đến năm 2030, nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu Châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 15% vào GDP.
Các giải pháp, nhiệm vụ tập trung thực hiện: Thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Đức Tiến, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng yêu cầu sau Hội nghị này, các Chi bộ trực thuộc, các Phòng chuyên môn, các Đội Quản lý thị trường, cần tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, sâu rộng các nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đến toàn thể đảng viên, công chức và người lao động trong đơn vị; Tổ chức Đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên) phối hợp với Chi bộ, cơ quan phát huy tốt vai trò tuyên truyền sâu rộng các nội dung Nghị quyết đến đoàn viên thanh niên, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các nội dung Nghị quyết.