Cục QLTT Bình Định ban hành Quy tắc ứng xử của công chức, người lao động

Theo đó, với mục đích nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ công chức, người lao động của Cục QLTT tỉnh Bình Định; đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ của lực lượng QLTT. Là cơ sở để mỗi cá nhân công chức, người lao động tự điều chỉnh hành vi của mình nhằm đạt tới các giá trị văn hóa.
Mặt khác, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện văn hóa công vụ; làm căn cứ để xem xét trách nhiệm khi công chức, người lao động vi phạm các chuẩn mực xử sự trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, đồng thời là căn cứ để nhân dân giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của công chức, người lao động.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy tắc này quy định về quy tắc ứng xử chung; ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ QLTT; ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng và ứng xử với các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Đối tượng áp dụng là công chức, người lao động làm việc tại các Phòng chuyên môn, các Đội QLTT trực thuộc.
Trang phục, tác phong, thái độ làm việc
Khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ công chức, người lao động phải mặc trang phục của lực lượng QLTT, đeo biển hiệu, phù hiệu theo quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BCT ngày 08/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Tư thế, tác phong, cử chỉ nghiêm túc, có thái độ hòa nhã, khiêm tốn, tôn trọng người giao tiếp. Không hút thuốc lá tại phòng làm việc; không uống rượu, bia trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc. Tích cực xây dựng không gian xanh, sạch, đẹp và môi trường công sở văn minh, thân thiện.
Ứng xử của công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn trong lãnh đạo, quản lý; thực hiện dân chủ, khách quan, công bằng trong hoạt động cơ quan, đơn vị; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới.
Giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện trong cơ quan, đơn vị.
Ứng xử giữa công chức, người lao động với cấp trên và với đồng nghiệp
Với lãnh đạo cấp trên: Tuyệt đối phục tùng cấp trên trong thi hành công vụ. Trung thực trong báo cáo công việc, tôn trọng, đúng mực trong cư xử với cấp trên; không được lợi dụng việc góp ý, phê bình làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cấp trên.
Đối với đồng nghiệp: Phải có tinh thần đoàn kết, hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ, cầu thị; học hỏi lẫn nhau trong công tác; thẳng thắn phê bình, đóng góp ý kiến đối với những biểu hiện sai trái; không được lợi dụng việc góp ý, phê bình làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đồng nghiệp. Công bằng, trung thực trong nhận xét, đánh giá và có tinh thần xây dựng phấn đấu.
Ngoài ra, Quy tắc cũng quy định về: ứng xử với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và cơ quan thông tấn, báo chí; ứng xử với tổ chức, cá nhân nước ngoài; ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ QLTT; ứng xử trong nhiệm vụ thực hiện tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; ứng xử trong các cuộc họp, Hội nghị.
Quy tắc ứng xử của Cục QLTT tỉnh Bình Định ngoài những quy định chung của Tổng cục QLTT, có một số điểm mới như nâng cao tinh thần bảo vệ thông tin công việc, bí mật nhà nước; tinh thần đoàn kết, học hỏi, cầu thị giữa đồng nghiệp; công chức không tham gia ký đơn khiếu nại, tố cáo tập thể và nhất là trong quy tắc đã có riêng một điều khoản quy định về thái độ, văn hóa ứng xử trong các cuộc họp, Hội nghị tại Cục.
Công chức, người lao động thực hiện tốt Quy tắc này sẽ được xem xét biểu dương, khen thưởng theo quy định. Công chức, người lao động vi phạm các quy định tại Quy tắc này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai tại đơn vị công tác. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, quy định của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT.