Bình Định: tổng kết Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2021

Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2021 của Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bình Định được Tổng cục QLTT phê duyệt tại Quyết định số 2987/TCQLTT-TTKT ngày 23/12/2020 với 371 vụ. Tuy nhiên qua 03 lần điều chỉnh Kế hoạch với nhiều lý do khách quan và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2021 của Cục QLTT Bình Định được điều chỉnh còn 225 vụ, gồm 07 nhóm hàng: (1) Nhóm hàng sản xuất kinh doanh rượu; (2) Nhóm hàng kinh doanh nguyên liệu thuốc lá, sản phẩm thuốc lá; (3) Nhóm hàng kinh doanh xăng dầu; (4) Nhóm hàng chiết nạp, kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); (5) Nhóm hàng kinh doanh mặt hàng phân bón; (6) Nhóm hàng kinh doanh mặt hàng vật tư nông nghiệp; (7) Nhóm sản xuất, kinh doanh các nhóm sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Theo đó, qua 01 năm thực hiện, các Đội QLTT trực thuộc đã thực hiện kiểm tra 218 vụ/225 vụ (đạt 97%), trong đó phát hiện và xử lý vi phạm 11 vụ, không thực hiện kiểm tra được: 07 vụ; phạt vi phạm hành chính 74.500.000 đồng. Nhìn chung các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh, hàng hóa có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp pháp, có nhãn hàng hóa theo quy định. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số cơ sở vi phạm, chưa chấp hành đầu đủ các quy định trong hoạt động kinh doanh như: kinh doanh khi giấy phép hết hiệu lực, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đ/c Trần Đức Tiến – Cục trưởng, chủ trì Hội nghị đã đề ra một số nhiệm vụ chung để triển khai thực hiện trong thời gian tới, cụ thể như sau:
1. Về xây dựng Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2022: căn cứ tình hình thị trường, yêu cầu công tác quản lý thị trường trên địa bàn và Định hướng chương trình kiểm tra năm 2022 của Tổng cục QLTT, yêu cầu các Đội QLTT rà soát, tổng hợp, đề xuất danh sách cụ thể tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân hoặc địa điểm, địa chỉ kinh doanh được kiểm tra theo hướng tập trung, tránh dàn trãi, trong đó cần lưu ý 02 nhóm đối tượng kiểm tra mới đó là: (1) Tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh, (2) Tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất.
2. Về xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022: căn cứ Kế hoạch số 07/KH-TCQLTT ngày 18/11/2021 của Tổng cục QLTT, yêu cầu các Đội QLTT chủ động nắm vững diễn biến tình hình, tăng cường công tác nghiệp vụ, khẩn trương rà soát, đề xuất danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, trong đó chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
3. Tăng cường phương tiện, trang thiết bị phục vụ kiểm tra để đảm bảo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao.
4. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động công vụ của công chức để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh công chức hoàn thành nhiệm vụ được phân công, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có biểu hiện bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Đ/c Nguyễn Thế Khả - Q.Đội trưởng Đội QLTT số 3 phát biểu tại Hội nghị

Đ/c Trần Đức Tiến - Cục trưởng phát biểu kết luận Hội nghị