Xử lý nghiêm hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tổ chức kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, chợ chim hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hoá trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, chim di cư tại Việt Nam, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, chim di cư.
Nhiều người vẫn còn ưa chuộng thịt thú rừng thuộc loại hoang dã nguy cấp, quý, hiếm vào các dịp lễ hay sự kiện đặc biệt như ngày Tết với quan niệm thưởng thức món "vừa độc vừa lạ" và "sạch".
Ở một số địa phương trên cả nước, hiện nhiều người vẫn còn quan niệm rằng: đầu năm ăn thịt động vật hoang dã sẽ mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho cả năm… Hoặc có bình rượu ngâm động vật rừng trong nhà sẽ thể hiện sự giàu có, đẳng cấp với mọi người. Từ những quan niệm đó, nên nhiều người đã không tiếc chi tiền triệu đến hàng chục triệu đồng để mua bán, biếu tặng các sản phẩm từ động vật hoang dã như: sừng tê giác, ngà voi, mật gấu, cao hổ... Những suy nghĩ này khiến nhiều loại động vật hoang dã bị sát hại, hành hạ như bẻ răng, rút ngà, nấu cao, hút mật…khi chúng vẫn còn đang sống.
Nhu cầu liên tục đối với các sản phẩm này dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài trong tự nhiên tại Việt Nam, đồng thời tạo áp lực đến quần thể động vật hoang dã ở các nước láng giềng.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, có 15 bệnh nguy hiểm thường gặp, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân, có thể kể đến một số bệnh như:
Bệnh dại lây qua nước bọt của con vật bị nhiễm bệnh cắn như chó, dơi, khỉ.
Bệnh than từ các loài động vật ăn cỏ như dê, lạc đà, ngựa
Bệnh dịch hạch ở chuột và một số loại thú gặm nhấm
Bệnh viêm não có nguồn gốc từ một số loại thú gặm nhấm
Cúm gia cầm, nhiễm liên cầu từ lợn
Các dịch bệnh đã khiến con người "lao đao" như SARS, MERS hay gần đây nhất chính là đại dịch COVID-19...
Trước tình hình nhu cầu này đặc biệt tăng cao trong các dịp lễ quan trọng, trong đó có cuối năm và Tết Nguyên đán, Tổng cục Quản lý thị trường vừa có công văn gửi các Cục Quản lý thị trường về việc đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tổ chức thực hiện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, chợ chim hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hoá trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, chim di cư tại Việt Nam; thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, chim di cư.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nuôi, trồng, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định yêu cầu toàn thể công chức, người lao động và kêu gọi người dân không tham gia săn bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; không nuôi, trồng, mua bán, phóng sinh các loài ngoại lại xâm hại; không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép.
Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức về rủi ro lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật hoang dã để chủ động lựa chọn và kiểm soát các hành vi tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã.