Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2024
Sáng ngày 08/8/2024, tại Thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bình Định, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; Đồng chí Trần Đức Tiến – Cục trưởng Cục QLTT, Phó Trưởng ban thường trực phụ trách Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh, các đồng chí Phó trưởng ban và các đồng chí uỷ viên Ban Chỉ đạo 389 là đại diện các cơ quan, đơn vị thành viên BCĐ389 tỉnh Bình Định.
Ảnh: Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Theo nội dung báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi; hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả qua các tuyến biên giới, cửa khẩu đất liền, đường mòn, lối mở biên giới, tuyến biên giới biển, cảng biển, vùng biên, địa bàn nội địa trọng điểm diễn biến không quá phức tạp, không phát sinh điểm nóng. Kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 64.185 vụ việc vi phạm (giảm 2,82% so với cùng kỳ). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 6.042 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 172,28% so với cùng kỳ); 55.133 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 9,7 so với cùng kỳ); 3.010 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 8,55% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.066,792 tỷ đồng (giảm 7,53% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 650 vụ (giảm 44,25% so với cùng kỳ), 1.913 đối tượng (giảm 18,82% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua nổi lên một số phương thức, thủ đoạn như: Lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu không khai báo, khai sai tên hàng, loại hàng, khai không đúng số lượng hàng hóa thực tế, khai thấp trị giá lô hàng, tuyến đường của lô hàng; Lợi dụng chính sách hàng tạm nhập tái trung chuyển, quá cảnh, ký gửi hàng hóa có giá trị cao, nhập khẩu gia công để lậu hàng hóa vào thị trường Việt Nam; Lợi dụng chính sách cư dân biên giới để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Lợi dụng hoạt động thương mại tử, chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi, hàng hóa, hành lý hoặc lợi dụng tiếp viên hàng không vận chuyển hàng hóa vi phạm pháp luật, đối tượng trong và ngoài nước móc nối hình thành các đường buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa, qua các cảng hàng không quốc tế; Lợi dụng sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội (facebook, tiktok...) để kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng; Lợi dụng chính sách thông thoáng của nhà nước trong việc thành lập doanh nghiệp, đối tượng đăng ký thành lập nhiều công ty khác nhau (dạng công ty “ma”) nhưng không tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như đã đăng ký trong chứng nhận đăng ký kinh doanh mà xuất bán trái phép số lượng lớn hóa đơn gía trị gia tăng cho các tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi bất chính số tiền lớn. Các mặt hàng, lĩnh vực vi phạm là hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, dầu DO, thực phẩm đông lạnh, như xăng, dầu, vàng, rượu, bia, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân các dịp lễ, tết.
Nguyên nhân của tồn tại nêu trên là do một số nơi, một số khâu, một số đơn vị chưa chú trọng công tác quản lý, giáo dục tư tưởng, đạo đức cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ; việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng chưa được thống nhất, chưa thường xuyên, tạo nhiều kẽ hở cho các đối tượng hoạt động; một số đơn vị còn hiện tượng làm ngơ, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả... Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ một số cán bộ, công chức, sỹ quan thực thi nhiệm vụ còn hạn chế, nhất là đối với một số lĩnh vực mới, phức tạp như thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp, sở hữu trí tuệ. Số vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm bị phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ; công tác điều tra, bắt giữ, xử lý đối tượng cầm đầu, chủ mưu còn hạn chế; một số vụ việc không bắt giữ được đối tượng vi phạm.
Tại Hội nghị, các bộ, ngành và các địa phương tập trung thảo luận, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong quá tình đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện nhiệm vụ này
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ 389 quốc gia Trần Lưu Quang đề nghị, các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phát huy tốt vai trò của người đứng đầu; chủ động phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh những điểm còn bất cập về quy định xử lý, xử phạt vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, khắc phục các lỗ hổng trong quá trình thực hiện; thường xuyên chấn chỉnh, nêu cao đạo đức công vụ, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của dân để mỗi người dân trở thành những người tiêu dùng thông minh./.
Một số hình ảnh khác của Hội nghị: