Quảng Ninh: Chuyển đổi số - Bước đột phá trong hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) nói chung và QLTT Quảng Ninh nói riêng đã chủ động triển khai các giải pháp số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn và quản lý nội bộ. Chuyển đổi số không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong kiểm tra, kiểm soát, mà còn thay đổi tư duy, phương thức làm việc của toàn lực lượng theo hướng hiện đại, minh bạch, kịp thời và linh hoạt hơn.
Vượt qua thách thức địa lý bằng công nghệ số
Quảng Ninh là tỉnh có địa hình phức tạp, rộng lớn, bị chia cắt bởi đồi núi, biển đảo và biên giới quốc tế. Lực lượng QLTT hoạt động phân tán trên địa bàn trải dài từ thành phố Móng Cái, Hạ Long, Cẩm Phả đến các huyện miền núi như Bình Liêu, Ba Chẽ, và các đảo xa như Cô Tô, Vân Đồn. Trong điều kiện đó, chuyển đổi số đã trở thành giải pháp then chốt giúp lực lượng QLTT khắc phục những khó khăn về địa lý, bảo đảm chỉ đạo điều hành thông suốt, hiệu quả trên toàn tỉnh.
Giải pháp Chỉ đạo điều hành trực tuyến được triển khai tới từng tổ, đội Quản lý thị trường
Một trong những giải pháp đột phá, mang đậm tính chủ động là việc Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh (nay là Chi cục QLTT) đã nghiên cứu và triển khai thành công mô hình họp, điều hành trực tuyến trên nền tảng công nghệ. Giải pháp tận dụng trang thiết bị, nhân lực và kỹ thuật sẵn có, do chính cán bộ kỹ thuật trong đơn vị xây dựng và vận hành. Hệ thống kết nối từ điểm cầu trung tâm đến 8 điểm cầu phụ tại các Đội QLTT, đồng thời mở rộng tới các tổ công tác vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Mô hình này vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao tính linh hoạt trong điều hành, phù hợp với đặc thù địa phương.
Số hóa toàn diện các nghiệp vụ và công tác quản lý nội bộ
Trọng tâm trong quá trình chuyển đổi số là việc triển khai phần mềm quản lý nghiệp vụ Hệ thống xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường (gọi tắt là Hệ thống INS) – một hệ thống số hóa toàn bộ quy trình từ công tác quản lý cập nhật các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, thực hiện quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm, từ đề xuất kiểm tra, ban hành quyết định kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt, đến tổ chức thi hành quyết định. Mọi thao tác được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm. Nhờ đó, các đội QLTT ở xa trung tâm có thể xử lý nghiệp vụ đồng bộ với các đơn vị khác, rút ngắn thời gian, giảm chi phí và hạn chế việc di chuyển. Tính đến nay, đã có 5.398 hồ sơ nghiệp vụ được thiết lập hoàn toàn trên hệ thống, đạt tỷ lệ số hóa 100%.
Biên bản vi phạm hành chính được lập trực tuyến tại địa điểm VPHC
Bên cạnh đó, các phần mềm chuyên biệt như HR (quản lý hồ sơ cán bộ) và Eoffice (quản lý văn bản, điều hành công việc) cũng được triển khai đồng bộ. Hiện nay, 100% hồ sơ cán bộ được quản lý tập trung, cập nhật thường xuyên về trình độ, vị trí công tác, thi đua – khen thưởng, kỷ luật... Phần mềm Eoffice giúp văn bản chỉ đạo, giao việc và báo cáo được xử lý nhanh chóng trên môi trường số, đặc biệt phát huy hiệu quả tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, hệ thống quản lý kho tang vật vi phạm hành chính kết hợp camera giám sát 24/7 đã giúp lực lượng QLTT quản lý chặt chẽ, minh bạch số lượng, tình trạng và quy trình xử lý tang vật, ngăn chặn hiệu quả các sai sót và tiêu cực.
Chủ động ứng phó với vi phạm trong môi trường thương mại điện tử
Trong quá trình chuyển đổi số, lực lượng QLTT cũng đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt là sự bùng nổ của hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT). Các đối tượng ngày càng tinh vi, lợi dụng mạng xã hội và sàn TMĐT để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, gây khó khăn cho công tác phát hiện và xử lý.
Tập huấn nâng cao kiến thức, nghiệp vụ xử lý VPHC trên môi trường TMĐT
Trước tình hình này, lực lượng QLTT Quảng Ninh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giám sát, phân tích dữ liệu, thu thập chứng cứ vi phạm trên môi trường mạng, đồng thời nâng cao năng lực lập hồ sơ, xử phạt vi phạm hành chính trong không gian số. Nhờ chủ động thích ứng, lực lượng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trong năm 2024, lực lượng đã xử lý 130 vụ vi phạm TMĐT với 144 hành vi vi phạm, số tiền xử phạt lên tới 1,62 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm hơn 2,3 tỷ đồng. Riêng quý I/2025, đã kiểm tra, xử lý 25 trường hợp vi phạm quảng cáo, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu trên internet.
Chuyển đổi số – Nền tảng cho lực lượng hiện đại, chuyên nghiệp
Chuyển đổi số không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà còn là nền tảng để lực lượng Quản lý thị trường Quảng Ninh đổi mới căn bản phương thức làm việc, hướng tới xây dựng lực lượng chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp, thích ứng với yêu cầu thực tiễn trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế sâu rộng. Những kết quả đạt được cho thấy tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao của tập thể Chi cục QLTT Quảng Ninh trong việc đưa công nghệ vào phục vụ hiệu quả công tác chuyên môn, hành chính và đấu tranh chống gian lận thương mại trong thời đại mới, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường.